5 thủ thuật thú vị về giật tít bạn nên đọc


Thế giới Internet đã mở ra cho chúng ta vô vàn sự lựa chọn về mặt thông tin, nhưng như "nghịch lý của sự lựa chọn", nhiều sự lựa chọn hơn không mang lại nhiều tự do hơn, ngược lại chúng ta lại càng do dự hơn.

Bài viết này không nhằm khôi phục lại niềm tin của bạn vào con người và cũng không mang lại cho bạn sự ngạc nhiên, thích thú, quyến rũ hay điều gì đó đáng kinh ngạc. Những gì bài viết này hy vọng, chỉ là giải thích cho bạn tại sao con người cứ tiếp tục rơi vào clickbait (từ nhằm mô tả hành vi câu kéo người dùng click vào một đường link bài viết nào đó) – như những gì bạn vừa làm vài giây trước – click vào bài viết này.


Rất khó có một định nghĩa chính xác cho từ này. Nhưng một điều hầu hết mọi người đều đồng ý: Clickbait đúng là gây khó chịu nhưng thật may, nó vẫn hiệu quả - dù người đọc nhận ra sau đó. Mọi người có thể cho rằng những trò chơi về câu chữ đứng sau hiệu quả của điều khó chịu này. Nhưng trên thực tế, cũng có cả một khoa học hành vi giúp sức cho việc này. Như một số nghiên cứu mới đây xác nhận, bạn có thể đổ lỗi cho thói quen click vào các đường link đó, cho hai điều : vai trò của cảm xúc trong phán đoán trực giác và các lựa chọn hàng ngày, cũng như bộ não lười biếng của bạn.

Những tiêu đề mang đến cảm xúc

Clickbait không xảy đến với riêng một ai cả. Các biên tập viên đặt tiêu đề với nỗ lực lôi kéo bạn – hay ít nhất sự chú ý của bạn – và họ luôn làm được. Các tít bài như “Xác không đầu trong quán bar" giờ đây không còn mang lại nhiều hiệu quả như ngày xưa. Đơn giản, chúng ta bây giờ đã khác với thời Internet mới phổ cập.

Sự khác biệt của loại hình cũ kỹ này với clickbait là dù bạn thường nhận ra các hành vi này, nhưng bạn vẫn bất lực trong việc chống lại nó. Như một mồi câu dù được dùng đi dùng lại, và con mồi dù biết đó là mồi câu mà vẫn bị mắc vào.



Những từ ngữ gây kích thích cảm xúc làm chúng ta dễ làm điều mà người khác muốn

Có rất nhiều điều về cảm xúc và vai trò của nó trong quá trình ra quyết định hàng ngày của chúng ta, theo như Jonah Berger, người nghiên cứu về lây lan và ảnh hưởng xã hội tại Đại học Pennsylvania. Kích thích cảm xúc, hay mức độ phản ứng vật lý của bạn đối với cảm xúc nào đó, là thành phần quan trọng trong chuỗi hành vi click chuột. Ví dụ như buồn và tức giận, đều là các cảm xúc tiêu cực, nhưng tức giận có sức thuyết phục mạnh mẽ hơn. “Tức giận thúc đẩy chúng ta, thiêu đốt chúng ta, và buộc chúng ta phải hành động” ông Berger cho biết. Nếu bạn từng thấy mình cảm thấy phẫn nộ khi click vào đường link nào đó hay giành thời gian đọc điều gì đó gây thù ghét, thù hận, bạn sẽ biết Berger đang nói về điều gì. “Tức giận, lo lắng, hài hước, phấn khích, cảm hứng, bất ngờ - tất cả những cảm xúc mạnh mẽ này là điều mà clickbait dựa vào để thả mồi.”

Một nghiên cứu khác cũng ủng hộ giả thuyết này của Berger. Trong một bài báo gần đây, hai nhà nghiên cứu đã xem xét 69.907 tiêu đề được xuất bản bởi bốn trung tâm truyền thông quốc tế vào năm 2014. Sau khi phân tích thái cực tình cảm trong các tiêu đề này (để xem liệu cảm xúc chủ đạo là tích cực, tiêu cực hay trung tính), họ nhận thấy “những cảm xúc cực đoan chiếm phần lớn trong số đó”. Vì vậy, họ kết luận rằng, điều này cho thấy không chỉ tin tức với nội dung tích cực hoặc tiêu cực mạnh mẽ sẽ thu hút người đọc hơn, mà còn “tiêu đề có nhiều cơ hội hơn để được click, nếu những cảm xúc cực đoan, hướng đến mặt tích cực hoặc tiêu cực, được biểu lộ ra.”

Các dòng tít kích thích sự tò mò

Hứa hẹn một trải nghiệm vui vẻ hay phấn khích bằng cách sử dụng các từ ngữ cường điệu và so sánh (ngay cả khi nội dung không như vậy) là một cách để thu hút các click. Một cách khác là kích thích sự tò mò. Các bài viết trên trang Upworthy đặc biệt tốt về điểm này và các nhà tâm lý học đưa ra một vài lý thuyết để giải thích tại sao.


Một trong các lý thuyết phổ biến nhất và lâu dài nhất là của giáo sư George Loewenstein của đại học Carnegie Mellon. Trong giữa thập niên 90, Loewenstein đưa ra lý thuyết mà ông gọi là “Khoảng cách thông tin”. Về cơ bản, lý thuyết này cho rằng, bất cứ khi nào chúng ta nhận thấy khoảng cách “giữa cái mà chúng ta biết với cái mà chúng ta muốn biết”, khoảng cách đó sẽ dẫn đến một hệ quả về cảm xúc. “Những khoảng cách thông tin như vậy sẽ tạo ra cảm giác thiếu thốn, hay còn gọi là tò mò” ông viết. “Sự tò mò của các cá nhân được kích thích để có được thông tin còn thiếu nhằm giảm đi hay loại cảm giác thiếu thốn.”


Khao khát thỏa mãn trí tò mò thúc đẩy hành động của con người

Nói cách khác, thiếu hụt thông tin tạo ra sự không thoải mái về nhận thức. Đây là cách lý giải cho phong cách của trang Upworthy – đặt tựa đề dạng “điều gì sẽ xảy ra” : với những cái tít như “Đưa cho trẻ nhỏ cây kéo. Đây là những gì sẽ xảy ra” hay “Người lao động chỉ cần tiền, và bạn sẽ không tin được họ đã làm gì để có nó.” Theo các nhà tâm lý xã hội học, bạn có thể làm mọi người tò mò hơn, bằng cách giới thiệu họ với điều gì đó họ mới biết một ít nhưng không quá nhiều về chúng.

Các con số và các danh sách trên dòng tít

Nhà ký hiệu học nổi tiếng Umberto Eco từng nói rằng con người thích các danh sách vì chúng ta sợ chết. Các nhà tâm lý học cũng đồng ý với điều đó. Như nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, từ quan điểm của nhận thức, các danh sách rất hiệu quả trong việc giúp chúng ta “đối mặt với sự vô cùng và nỗ lực nắm bắt được sự khó hiểu.”



Dưới đây là danh sách ngắn gọn các nguyên nhân tại sao tiêu đề lại hiệu quả đến vậy :

1. Họ thường sử dụng số, và các con số sẽ trở nên nổi bật khi chúng ta đang lướt qua một dòng bất tận các tiêu đề - đặc biệt là các số lẻ.

2. Các con số này cũng giúp xác định chiều dài câu chuyện và ám chỉ lượng chú ý mà chúng ta cần để dành cho việc đọc câu chuyện này.

3. Chúng giúp tổ chức thông tin thành không gian, cũng như cách sắp xếp thông tin trong não bộ.

4. Con người cảm thấy thoải mái khi họ loại bỏ được (hoặc ít nhất là xem nhẹ) “nghịch lý của sự lựa chọn”, điều này mang lại cho họ ảo giác về sự chắc chắn.

5. Lý do cuối cùng là các danh sách sẽ mang lại những trải nghiệm đọc dễ dàng hơn. Trên thực tế, không có nhiều điều được não bộ chúng ta đánh giá cao hơn sự dễ dàng về nhận thức. Một bài với tít “15 lý do bạn không thể chống lại những tiêu đề chứa danh sách” hứa hẹn một nội dung có thể định nghĩa được và làm cho mọi thứ dường như trở nên dễ hiểu hơn. Danh sách trên tiêu đề này loại bỏ về mặt tinh thần những sự phức tạp, mơ hồ của bài viết. Do vậy, click thôi.

Click dựa trên sự dự đoán

Vậy clickbait dựa trên một số thủ thuật về nhận thức để thu được những cái click. Nhưng ngay cả khi độc giả dựa trên cảm xúc và sự dễ dàng về nhận thức khi chọn tiêu đề, điều đó vẫn không giải thích được tại sao clickbait vẫn hiệu quả. Logic cho rằng chỉ - bị - lừa – một – lần nghĩa là hiệu quả của các thủ thuật này sẽ giảm dần theo chiều đi xuống khi số lần thực hiện tăng lên. Nhưng liệu còn bao nhiêu thủ thuật về cảm xúc rẻ tiền, những lời hứa hão huyền và các trò đố vui rỗng tuếch một người có thể chịu đựng được nữa ? Dường như sẽ còn rất nhiều nữa.



Hãy xem dòng tít sau : “9 hình ảnh về tình bạn của các loài vật vốn rất kỵ nhau sẽ làm tan chảy trái tim bạn”. Có hàng trăm phiên bản như thế này trên internet – những hình ảnh gấu túi con ôm chuột túi con, hay những con báo tuyết sơ sinh chơi với đàn cáo con, hay những hình ảnh tương tự như vậy.

Con người được lập trình để ưa thích những hình ảnh dễ thương. Vì vậy, có rất ít sự khác biệt giữa việc nhìn thấy các con vật dễ thương với ăn đồ ngọt hay quan hệ tình dục, để tạo ra các cảm xúc vui vẻ. Chất truyền dẫn thần kinh dopamine, đều xuất hiện trong cả ba hành vi này. Việc dopamine có thể cuốn hút hành vi của chúng ta không phải là điều mới, nhưng trình tự của cả quá trình này là quan trọng khi chúng ta muốn giải mã sự hiệu quả của clickbait.

Các nghiên cứu để so sánh lượng dopamine khi độc giả nhìn thấy các hình ảnh dễ thương, và các dòng tít liên quan đến hình ảnh đó cho thấy : lượng dopamine tăng lên khi chúng ta nhìn thấy các dòng tít liên quan còn nhiều hơn khi chúng ta nhìn thấy các hình ảnh đó trong bài viết. Điều đó có nghĩa các tiêu đề tự nó đã mang đến niềm vui cho chúng ta – không phải vì ý nghĩa của nó, mà là vì những gì dòng tít đó đại diện.

Nô lệ của sự hạnh phúc

Điều thực sự thú vị là những gì xảy ra khi bạn giảm tần số nhận được phần thưởng đi (nghĩa là số lần nội dung của bài viết tương tự như những gì bạn kỳ vọng khi click). Khi tần số này chỉ còn 50%, nồng độ dopamine sẽ vượt quá mức chịu đựng. Lúc này, một lời hứa bị vi phạm sẽ không còn là trở ngại cho hành vi click chuột, mà lại là một sự khuyến khích. Như ông Robert Sapolsky, nhà thần kinh học trường đại học Stanford, nói “Bạn chỉ mới được giới thiệu với từ “có thể” của phương trình, và từ “có thể” cũng gây nghiện như không còn điều gì khác ngoài đó.” Các nhà tâm lý học gọi điều này là sự tăng cường gián đoạn, về cơ bản nghĩa là, một trong các biện pháp hiệu quả nhất để buộc một người làm một hành vi cụ thể nào đó là thêm từ “có lẽ” vào phương trình.


Đến giờ, rõ ràng là không phải mọi thủ thuật clickbait đều có thể - hay cố gắng – để làm tăng lượng dopamine tăng lên trong mỗi chúng ta. Nhưng công bằng mà nói, sự tham gia của chất truyền dẫn này trong các kích thích cảm xúc một nhân tố không thể bỏ qua. Điều này làm mọi người khó dự đoán được tính hiệu quả của các thủ thuật clickbait. Thật vậy, ở một mức độ nào đó, bạn biết cô gái đáng yêu trong đoạn video trên Clickhole này nói đúng : dù bạn có xem bao nhiêu đoạn video hay đọc bao nhiêu danh sách, bạn vẫn cảm thấy cô đơn. Nhưng khoa học hành vi cũng cho thấy rằng, đọc một bài về “25 vị trí ngủ vụng về nhất của mèo” cũng có thể là một cách hiệu quả, để giảm đi sự cô độc hiện tại của bạn, dù chỉ trong thời gian ngắn.

Theo WIRED

10 bài học quý giá từ vĩ nhân sống của làng công nghệ: Bill Gates


Những bài học này sẽ giúp ích không chỉ trong sự nghiệp mà còn cả trong cuộc đời của chúng ta.

1. Hãy tự soi sáng cho những con đường tối tăm

Con đường sự nghiệp, cũng như còn đường đời đôi khi rất tối tăm. Nhiệm vụ của chúng ta là phải tìm thấy con đường đó, và soi sáng nó bằng mọi cách, để chúng ta có thể thấy được đích đến nơi cuối con đường. Đôi khi người khác cho rằng con đường đó là sai, đôi khi họ lại nghĩ con đường đó quá xa vời. Nhưng chúng ta đừng nản chỉ, hãy cứ đi và soi sáng nó đến khi về đích.

Cũng giống như Bill Gates đã tin rằng máy tính cá nhân là tương lại của nhân loại, ông tin rằng nó sẽ là một đồ dùng cần thiết cho mỗi gia đình, nó sẽ khiến cách làm việc của chúng ta sẽ thay đổi, và ông đã làm được điều đó.

2. Phải hành động thật nhanh

Trong cái xã hội mà mọi thứ thay đổi với tốc độ chóng mặt như thế này, nếu chúng ta không thay đổi theo kịp thì sẽ trở nên lạc hậu và tự đào thải. Bill Gates từng nói: "Trong kinh doanh, nếu chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang gặp rắc rối thì đã quá trễ". Nếu không cảnh giác với sự thay đổi mọi lúc mọi nơi thì chúng ta sớm muộn cũng bị đào thải.

3. Gần mực thì đen gần đèn thì sáng

Không nên làm việc một cách đơn lẻ, nếu chúng ta hoạt động theo một nhóm ăn ý và hiểu nhau thì hiệu quả công việc sẽ tăng lên rất nhiều. Đó chính là lí do Bill Gates lại chọn những con người cực kì thông minh như Paul Allen và Steve Ballmer để đi cùng ông trong cuộc hành trình của mình. Một khi đã 'gần' những 'bóng đèn' rất sáng ấy, Bill Gates có thể thu thập được hàng vạn ý tưởng hay từ nhiều khía cạnh khác nhau. Hơn nữa, ông còn biết cách chọn đúng người giỏi về những mặt mà ông đang yếu để có thể hỗ trợ ông.


4. Sáng tạo là trái tim và tâm hồn trong kinh doanh

Trong kinh doanh, sáng tạo là điều cần thiết để doanh nghiệp có thể tồn tại lâu dài, nếu không sáng tạo thì doanh nghiệp đó sẽ chết. Thế giới này thay đổi từng giờ từng phút, để có thể sống được trong cơn bão này, chúng ta phải luôn sáng tạo. Đó có thể là sáng tạo trong sản phẩm, sáng tạo trong quy trình kinh doanh hay sáng tạo trong hướng phát triền thị trường. Bill Gates đã phải sáng tạo rất nhiều để đưa công ty Microsoft trở nên lớn mạnh như ngày hôm nay.

5. Nên quan tâm đến những người làm việc cho/với chúng ta

Bill Gates đã nói rằng: "Một tổ chức muốn trở nên mạnh mẽ thì cần có sự cam kết đồng lòng từ mọi cá nhân có liên quan". Ông chăm sóc nhân viên của ông rất chu đáo, điển hình là việc có một văn phòng riêng với đầy đủ trang thiết bị hiện đại cho những nhân viên của ông. Việc quan tâm đến đồng nghiệp từ những điều nhỏ nhặt nhất như vậy sẽ khiến họ cảm mến ta và dốc toàn lực cho công ty hơn.


6. Những lời chê bai là thứ chúng ta nên nghe

Chúng ta trở nên tiến bộ hơn khi chúng ta nghe những lời chê bai nặng nề và sửa đổi từ những lời nói ấy. Cái làm chúng ta trở nên rắn rỏi hơn là từ những lời chúng ta CẦN nghe, chứ không phải những lời chúng ta MUỐN nghe. Bill Gates đã chia sẻ: "Những lời chê bai từ khách hàng là những bài học quý giá nhất."

7. Hãy ăn mừng mỗi khi thành công, và rút ra kinh nghiệm mỗi lần thất bại

Đừng lặp lại lỗi lầm và đừng quá say sưa trong chiến thắng, Bill Gates đã nói: "Ăn mừng chiến thắng là điều nên làm nhưng cái quan trọng hơn là hãy vươn lên từ thất bại."

8. Ủy quyền cho mọi người

Hãy tin tưởng trao quyền hạn và thông tin cho đúng người đúng việc và họ sẽ làm tốt nhất công việc của mình từ những thông tin đó. BIll Gates tâm sự: "Tôi thường hay uỷ quyền cho mọi người, tôi nghĩ nếu mình giao thông tin và nhiệm vụ cho những người phù hợp thì họ có thể vui vẻ làm tốt chuyên môn của họ, và họ sẽ trở nên trường thành và tiến bộ hơn rất nhiều'."

9. Nuôi dưỡng tâm hồn

Bill Gates từng nói: "Tôi có rất nhiều ước mơ từ thuở bé có lẽ vì tôi thích đọc sách, sau này đa số ước mơ đó tôi đều có cơ hội để thực hiện". Chúng ta nên đọc thật nhiều để không chỉ khám phá bản thân, mà còn để biết mình thực sự thích gì và làm gì. Hãy đọc, đọc thật nhiều, đọc bất kì thể loại nào cũng được, miễn là phải đọc. Chúng ta không biết được rằng ý tưởng mới, sáng kiến mới hay phát minh mới sẽ loé lên khi mình tình cờ đọc đúng một chủ đề nào đó gây cảm hứng cho chúng ta. Có thể nói rằng, việc đọc (sách hay báo mạng) chính là cái la bàn chỉ lối cho tương lai của mình.

10. Hãy cho đi

Nhà lãnh đạo đại tài của Microsoft rất nổi tiếng với việc làm từ thiện. Bill Gates đã lập rất nhiều quỹ từ thiện và có đóng góp cho những dự án phi lợi nhuận mà ông nghĩ sẽ làm thế giới này tốt đẹp hơn. Hãy cho đi rồi sẽ nhận lại, bằng cách này hoặc cách khác. Và có khi chúng ta sẽ được nhận lại nhiều hơn chúng ta tưởng tượng. Chúng ta cho người khác chính ta cho bản thân của chính mình. Và Bill Gates đã làm được điều đó, ông được mọi người biết đến không chỉ là đầu tàu của Microsoft, mà còn là một nhà hảo tâm hết lòng vì cộng đồng.

Theo: genk.vn

Phải chăng người Việt quá quan tâm đến "Vợ người ta" và "Cô dâu 8 tuổi"

“Phải chăng người Việt đang thực sự có vấn đề với sở thích nghe Vợ người ta và xem Cô dâu 8 tuổi?”. Hay, đó là sự khác biệt giữa người Việt Nam và người dân ở các quốc gia phát triển.

Với đa phần giới trẻ tại Việt Nam, việc sử dụng công cụ tìm kiếm Google hằng ngày gần như đã trở thành một thói quen. Sự phổ biến của Google lớn đến mức, công cụ này thậm chí còn trở thành một câu “thành ngữ” theo kiểu “Cái gì không biết thì tra Gúc Gồ”. Vậy nên, từ xu hướng từ khóa được sử dụng để tìm kiếm trên Google, ta có thể nhận thấy những vấn đề đang được quan tâm chú ý đặc biệt bởi giới trẻ.

Có một thực tế rằng trong top 10 từ khóa được người Việt tìm kiếm nhiều nhất năm 2015, tất cả đều thuộc về hạng mục giải trí với sự xuất hiện dày đặc của các bài hát và những bộ phim bom tấn.



Dẫn đầu danh sách tìm kiếm năm vừa qua là ca khúc Vợ người ta của Phan Mạnh Quỳnh. Sơn Tùng MTP cũng trở thành hiện tượng của năm khi có đến 3 ca khúc được lọt vào top 10 của bảng xếp hạng từ khóa. Những bộ phim như Fast & Furious 7 hay Cô dâu 8 tuổi cũng trở thành các hiện tượng tìm kiếm của năm tại Việt Nam.

Sẽ chẳng có vấn đề gì nếu người ta không đặt bảng xếp hạng này cạnh bên các bảng xếp hạng về xu hướng tìm kiếm ở một vài quốc gia khác. Cư dân mạng bắt đầu so sánh và nhận ra rằng, trong khi người Việt thích nghe “nhạc thất tình” thì người Nhật chú ý đến một vấn đề xã hội mang tính toàn cầu là tổ chức hồi giáo cực đoan IS. Trong khi đó với người Sing, điều mà họ quan tâm nhất chính là mức độ ô nhiễm tại chính Singapore.

Điều này đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, phải chăng suy nghĩ của giới trẻ Việt đang quá lệch lạc. Sự quan tâm của cộng đồng dường như chỉ dừng lại ở lĩnh vực giải trí, trong khi các vấn đề xã hội khác dường như bị xem nhẹ và xao lãng. Nhiều người còn nâng tầm quan điểm hơn khi cho rằng, sự khác biệt này thể hiện sự chênh lệch văn hóa giữa các quốc gia. Rằng trình độ dân trí ở Việt Nam đang ở mức báo động.


Sự khác biệt giữa top 10 từ khóa tìm kiếm của người Singapore (bên trái) và của người Việt Nam (phải). Người Việt có vẻ như quan tâm nhiều đến lĩnh vực giải trí hơn là người Singapore.

Sẽ là quá khắt khe nếu áp dụng suy nghĩ đó và áp đặt vào toàn bộ giới trẻ Việt Nam. Đặc biệt là khi nhìn sang quốc gia láng giềng Thái Lan với xu hướng tìm kiếm cũng toàn là phim và ca nhạc.

Tuy nhiên, chỉ cần đọc phần giải nghĩa 10 từ khóa tìm kiếm top đầu của người Việt Nam được đăng tải trên tờ tạp chí tên tuổi Bloomberg, bạn sẽ không khỏi chạnh lòng mà có suy nghĩ rằng, “Phải chăng người Việt đang thực sự có vấn đề với sở thích nghe Vợ người ta và xem Cô dâu 8 tuổi?”.

10 từ khóa được người Việt tìm kiếm nhiều nhất trên Google theo giải nghĩa của Bloomberg:

1. Vợ Người Ta – Bài hát về một chàng thanh niên khóc thương sau khi bạn gái cũ đi lấy chồng.

2. Âm Thầm Bên Em –Bài hát về một tay anh chị đã cố gắng thay đổi mình để giành lại tình yêu.

3. Không Phải Dạng Vừa Đâu – Một bài hát của một ca sỹ nổi tiếng Sơn Tùng - MTP nhằm thể hiện cảm xúc.

4. How-Old.net.

5. Fast Furious 7.

6. Khuôn Mặt Đáng Thương – Bài hát về một chàng thanh niên thể hiện nỗi buồn về tình yêu dành cho người bạn gái cũ.

7. Em Của Quá Khứ - Một bản ballad về một người đàn ông chờ đợi sự trở về của người yêu hồi trung học.

8. Cười Xuyên Việt – Chương trình truyền hình tìm kiếm các nghệ sỹ hài mới.

9. Cô Dâu 8 Tuổi – Bộ phim truyền hình Ấn Độ kể về một cô bé bị ép lấy chồng từ năm 8 tuổi.

10. Chàng Trai Năm Ấy –Bộ phim hài kịch lãng mạn dựa trên cuộc đời ca sỹ quá cố Wanbi Tuấn Anh.

Những xu hướng công nghệ trong năm 2016

Christopher Mims, cây viết của Wall Street Journal, đã đưa ra những dự đoán về hướng phát triển của công nghệ thế giới năm 2016.

Qua bài viết đăng trên Wall Street Journal, Christopher Mims cho rằng thế giới công nghệ trong năm tới sẽ đầy khác biệt. Không còn “dễ như ăn bánh”, 2016 sẽ là một năm của sự hoang dại và hứng khởi. Dưới đây là ba dự đoán đáng chú ý.

| Các công ty công nghệ sẽ thâu tóm truyền thông

Có một câu chuyện phổ biến, rằng những nhà sáng lập của các công ty công nghệ muốn thay thế truyền thông truyền thống. Giám đốc điều hành của Facebook – Mark Zuckerberg là một ví dụ.
Facebook đang tự tạo ra "tờ báo lớn nhất thế giới" bằng cách ra mắt Instant, công cụ liên kết với các trang tin trực tuyến để đưa bài viết lên Facebook và có tốc độ tải cực nhanh. Ảnh: CNET.
Cụ thể, ông chủ của Facebook từng tiết lộ một trong những mục tiêu của mình là tạo ra một tờ báo lớn nhất thế giới. Câu hỏi đặt ra là, bên nào sẽ cung cấp nội dung cho tờ báo ấy? Tờ Washington Post của Jeff Bezos hay tờ South China Morning Post của Jack Ma? Hai nhân vật sừng sỏ của giới công nghệ đang sở hữu trong tay tờ báo lớn. Câu trả lời còn đáng sợ hơn: Facebook đang muốn nuốt chửng tất cả các tờ báo lớn trên thế giới bằng cách từng bước khiến họ lệ thuộc vào mạng xã hội này. Sự ra đời của Instant là một cái bẫy lợi ích ngọt ngào cho đôi bên ở thời điểm hiện tại, nhưng trong tương lai, đây sẽ là công cụ giúp Facebook trở thành nguồn cung cấp tin tức lớn nhất thế giới. 

Thực tế cho thấy, nhiều công ty truyền thông và tờ báo bị mua lại trong năm nay. Họ ngày càng kiếm ít tiền hơn. Christopher Mims cho rằng chính "cái tôi" đã mang những CEO công nghệ cùng nhau lèo lái toàn bộ ngành công nghiệp tin tức - vốn chịu nhiều tác động - bằng cách đổ tiền ra thâu tóm những tờ báo lớn. 

| Dự đoán về tương lai sẽ trở nên dễ dàng với Big Data

Thuật toán dự đoán – “quả ngọt” của dữ liệu lớn (Big Data) sẽ trở nên thật phổ biến khi chúng đi vào cuộc sống. Chẳng hạn như những người cho vay nắm rõ về con nợ thông qua Big Data. Hoặc khi dựa vào Big Data, người ta có thể dự báo thời tiết một cách siêu chính xác. 

Điều này không đồng nghĩa với việc các ông chủ công nghệ có thể hỏi và dự đoán về những điều họ ao ước. Cái khó khăn nhất trong Big Data chính là bạn không bao giờ biết nhân tố nào sẽ mang đến kết quả mà bạn mong muốn. Nhưng trong năm 2016, nếu một công ty không thuê những nhà khoa học dữ liệu, họ sẽ khó có cơ hội thắng được các đối thủ cạnh tranh. 

| Yêu - ghét với thực tế ảo

Samsung vừa ra mắt một sản phẩm tốt, giá cả phải chăng, mang tên Gear VR (Virtual Reality). Không may là nó chỉ tương thích với các dòng điện thoại của Samsung.
Công nghệ thực tế ảo đã được nhiều hãng công nghệ hưởng ứng và liên tiếp có những sản phẩm hợp với túi tiền người dùng. Năm 2016 sẽ là thời điểm bùng nổ về số lượng các thiết bị thực tế ảo. Ảnh: SS.
Thế nhưng, một lượng lớn các thiết bị sẽ gia nhập thị trường vào đầu năm 2016, từ Oculus, HTC…, đồng nghĩa với việc đây sẽ là năm mà rất nhiều người có trải nghiệm đầu tiên với công nghệ thực tế ảo.

Tuy có khả năng gây buồn nôn hoặc mất phương hướng, một tác dụng phụ thường gặp, nhưng thực tế ảo là công nghệ tuyệt vời. Khi một người thử chơi game qua kính thực tế ảo, họ sẽ mất nhiều giờ làm quen. Nhanh hay chậm tuỳ thuộc vào sự nhạy cảm của mỗi người. Một vài công ty cũng đã nghĩ đến việc hẹn hò qua kính thực tế ảo, giúp rút ngắn khoảng cách giữa các cặp đôi yêu xa.

Được tạo bởi Blogger.